Đền Chử Đồng Tử là ngôi đền cổ có từ đời Hùng Vương thứ 18. Đến nay, ngôi đền đã trở thành một địa điểm tâm linh hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch tứ phương.
- Sự tích Chử Đồng Tử.
Chử Đồng Tử hay còn được gọi với cái tên khác là Chử Đạo Tổ là một trong số bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam. Ông tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, giàu sang.
Chử Đồng Tử sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, mẹ mất sớm, cha là Chử Cù Vân. Sau khi nhà cháy, mọi thứ trong nhà đều bị thiêu rụi hết duy nhất chỉ con một chiếc khố, hai cha con chàng thay nhau mặc qua ngày. Không bao lâu sau, cha Chử mất, vì quá thương cha nên Chử đã mặc cho cha chiếc khố vải đó. Từ đó, chàng ở trần chuồng, kiếm ăn vào ban đêm. Một hôm, Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung- con gái vua Hùng thứ 18, hai người đem lòng yêu mến nhau và cùng nhau kết duyên tại ngay nơi chàng và nàng gặp nhau. Vua cha không đồng ý mối lương duyên này, nàng đã bỏ nhà đi thep Chử Đồng Tử chu du khắp nơi.
Cả hai làm nghề buôn bán. Việc buôn bán không chỉ trong vùng, mà còn được hai vị mở rộng dọc sông Hồng và lập ra các đoàn thuyền buôn vượt biển ra nước ngoài.
Trên đường buôn bán, Chử Đồng Tử gặp gỡ nhiều hiền tài của thiên hạ và học hỏi được vô số điều. Khi trở về, Chử Đồng Tử lập bến cảng, mở chợ đầu mối…Từ đó vùng này chở nên tấp nập, phồn thịnh, (là khởi đầu cho việc hình thành tuyến giao thương Kẻ Chợ, Thăng Long – Phố Hiến, Hưng Yên sau này). Đoàn thuyền buôn của Chử Đồng Tử to lớn, lộng lẫy như cung điện hoàng gia. Ai cũng thần phục Chử Đồng Tử.
Không chỉ là một thương gia giàu có, Chử Đồng Tử cùng Tiên Dung còn đi khắp nơi truyền bá những tri thức đã học được từ thiên hạ cho mọi người, từ triết lý về cuộc sống, cách thức chữa bệnh đến ngành nghề mới…Trong giai đoạn này, Chử Đồng Tử gặp và kết duyên với Tây Nương, người được vua Hùng gia phong là ” Nội trạch Tây cung Tiên nữ – Hồng Vân công chúa”, vì đã chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho vua.
- Đền Chử Đồng Tử
Đền Chử Đồng Tử gồm hai đền: đền Đa Hòa thuộc thôn Đa Hòa, xã Bình Minh và đền Dạ Trạch nằm ở thôn Yên Vĩnh, xã Dạ trạch, huyện Khoái Châu ( Hưng Yên). Cả hai ngôi đền này đều thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân của ông.
1.1, Đền Đa hòa ( Khoái Châu, Hưng Yên).
Hiện nay, đền Đa Hòa đang gìn giữ một cổ vật vô cùng quý báu của dân tộc, đó là đôi lọ Bách thọ ( có một trăm chữ thọ được khắc trên thành bình, không chữ nào giống chữ nào).Đền Đa Hòa gồm ba khu chính: nghi môn ngoại, nghi môn nội và chính điện.
Nghi môn ngoại là khu vực phía ngoài đền, không có tường rào bao quanh. Nghi môn ngoại gồm hai trụ biển lớn được trang trí tứ phượng, đế thắt dạng cổ bồng, hai bên là hai bức tường thấp. Phía trước là khoảng sân rộng hướng ra nhà bia nằm cạnh sông Hồng.
Nghi môn nội là một khu ba gian lớn, có hiên ở trước cửa. Trên nóc mái được đắp lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên của nghi môn nội là hai cửa vòm nhỏ, mỗi bên có hai trụ cột, đây cũng chính là cổng phụ của đền, mở thường xuyên. Cổng của nghi môn nội được treo bức đại tự :” Bồng lai Cung khuyết”.
Phía sau nghi môn nội là chính điện, chính điện gồm Tiền đường, Nhị đường, Tam đường và Hậu đường. Giữa tòa Tiền đường và Nhị đường có tòa Phương đình, giữa tòa Tam đường và Nhị đường có Thiêu Hương.
1.2, Đền Dạ Trạch ( Khoái Châu, Hưng Yên).
Đền Dạ Trạch nằm tại một nơi có không gian thoáng đãng cạnh đầm Dạ Trạch. Từ từ ngoài vào trong đền chúng ta sẽ thấy lầu chuông, hồ bán nguyệt; vào trong sân là điện thờ gồm ba tòa nhà. Từ kiến trúc đến nội thất và ngoại thất thì ngôi đền đều toát lên vẻ thiêng liêng, cổ kính của mình.
Bên trong lầu chuông có mọt chiếc chuông được đúc từ năm 1902, được đặt tên là “ Dạ Trạch từ chung”. Trong lầu còn có một tấm bia, niên đại từ thế kỉ 19.
Điện thờ gồm tòa Tiền đường, Trung đường và Hậu điện. Tòa Tiền đường và Trung đường nối với nhau bằng tòa Thiêu Hương.
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước. Hàng năm, lễ hội được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng hai âm lịch hàng năm ở cả hai ngôi đền này. Lễ hội này còn được gọi là lễ hội Đa Hòa – Dạ Trạch, lễ hội cầu tình yêu, được tổ chức cả 2 ngôi đền.
Đền Chử Đồng Tử là nơi gắn liền câu chuyện tình cao đẹp giữa chàng trai nghèo đánh cá ven sông Chử Đồng Tử với nàng công chúa Tiên Dung, con vua Hùng thứ 18. Đây cũng là nơi giáo dục truyền thống hiếu thảo, tình cảm nhân văn và lòng nhân ái cho các thế hệ đời sau.
Theo: Lê Thị Ánh Nguyệt